Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 6/6, giá vàng SJC giảm mạnh về sát mốc 48 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới đánh mất gần 4% trong tuần này.
Theo đó, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 48,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Các mức giá này giảm mạnh mỗi chiều 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty SJC giao dịch ở mức 48,25 triệu đồng/lượng - 48,65 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 230.000 đồng/lượng và 170.000 đồng/lượng.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 48,5 triệu đồng/lượng - 48,7 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM chốt phiên ở mức 48,48 triệu đồng/lượng - 48,82 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com chốt tuần ở mức 1.684 USD/ounce.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ sáu, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 8/2020 giảm 44,4 USD/ounce (tương đương 2,6%) xuống 1.683 USD/ounce. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của giá vàng tính từ đầu tháng 4/2020 và theo đó, tính chung cả tuần, giá vàng kỳ hạn gần nhất mất 3,9%.
Giá vàng thế giới giảm sâu xuống mức 2 tháng trong bối cảnh báo cáo thị trường việc làm Mỹ tích cực bất ngờ, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh không khỏi khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trở nên tích cực. Trong tháng 5/2020, nước Mỹ có thêm 2,5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 13,3%.
Do đó trên thị trường xuất hiện một lực bán vàng ra mạnh khiến giá vàng lao dốc.
Nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn do dịch Covid-19 hành hoành, các doanh nghiệp ngừng hoạt động để ngăn chặn dịch bệnh này lan rộng với hơn 40 triệu lao động Mỹ mất việc làm tạm thời. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 4/2020 tăng lên 14,7%. Đây là mức cao kỷ lục so với thời kỳ đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, vượt cả tỷ lệ thất nghiệp 10,8% của tháng 11/1982 - mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố cho thấy, nền kinh tế nước này có thể sẽ mất gần một thập kỷ để phục hồi hoàn toàn khỏi các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins cho hay, trong tháng 4, chưa bao giờ số ca mắc mới Covid-19 vượt 100.000 ca/ngày, tuy nhiên kể từ ngày 21/5, chỉ có 5 ngày con số này dưới mốc 100.000 ca. Số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu trong ngày đạt kỷ lục 130.400 ca vào hôm 3/6.
Số ca mắc mới tăng mạnh một phần được cho là do các nước tăng năng lực xét nghiệm, nhưng tại nhiều quốc gia, năng lực xét nghiệm còn hạn chế và vẫn chưa phản ánh đúng quy mô của đại dịch Covid-19.
Số ca mắc mới Covid-19 tại nhiều quốc gia từng là tâm dịch như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, bắt đầu tăng chậm lại. Trong khi đó, tại nhiều nước, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, dịch tiếp tục bùng phát mạnh.
Tại Libya, Iraq, Uganda, Mozambique và Haiti, dữ liệu cho thấy số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi mỗi tuần. Tại Brazil, Ấn Độ, Chile, Colombia và Nam Phi, số ca Covid-19 tăng gấp đôi cứ sau 2 tuần.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới với gần 2 triệu ca mắc, trong đó gần 112.000 ca tử vong. Brazil là tâm dịch lớn thứ 2 với gần 650.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 35.000 người đã tử vong.
Dịch bệnh tăng nhanh, các quốc gia đã tung ra nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế, tình trạng thất nghiệp được cải thiện đáng kể khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại và lạc quan hơn về khả năng kinh tế dần phục hồi.
Dân trí